Chưa đến 10 tuổi, Đặng Đình Tranh đã theo cha học nghề làm đá, cho đến giờ bước qua tuổi 45 ông vẫn gắn bó với đá. Bản thân ông đã trải qua mọi thăng trầm của làng đá Bửu Long (Biên Hòa), từ thời sau giải phóng đầy gian nan đến lúc phát triển cực thịnh và bây giờ phải đối diện với nỗi lo nghề truyền thống đang dần mai một.

Ông Tranh chia sẻ, đá xanh Bửu Long có độ bền thách thức được với thời gian nên dù không có hoa văn, không lấp lánh nhưng giá thành sản phẩm luôn rất cao. Từ bàn tay người thợ, đá trở thành những sản phẩm trang trí như: long, lân, tượng, đèn đá...

Nghề đá đã gắn với gia đình ông Tranh đã 3 đời nay. Ông nội thuộc lớp người Hoa đem nghề đá về Đồng Nai, góp phần đặt nền móng hình thành nên làng đá Bửu Long sau này. Rồi cha ông tiếp tục truyền nghề cho mấy người con trai trong gia đình. Giai đoạn hoàng kim của làng đá Bửu Long khoảng 15 năm trước, cả trăm hộ gia đình sống “khỏe” nhờ làm đá, giờ người giữ được nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì nguồn đá nguyên liệu tại chỗ đã cạn kiệt. Người làm đá càng khó khăn khi có chính sách di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Hiện gia đình ông là một trong số ít những cơ sở còn duy trì được hoạt động sản xuất ở làng đá này. Mọi công đoạn chế tác đá đều được ông làm bằng thủ công nên một đôi lân đá cao chừng 1,6m thường mất gần 2 tháng mới hoàn thành.

Nghề đá bây giờ 3 tháng làm 3 tháng nghỉ, thu nhập trung bình của người thợ chỉ khoảng 250 ngàn đồng/ngày. Ông Tranh phải làm thêm nghề phụ để tăng thu nhập trang trải trong gia đình. Tuy nhiên, hễ có khách đặt hàng, 2 anh em ông lại miệt mài bên đá.

Tin tức khác