TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đang triển khai việc di dời cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ ở Bửu Long ra khỏi khu dân cư vào cuối 2015. Người dân đang lo lắng cho số phận của làng nghề hơn 300 tuổi này.

Thợ làng đá Bửu Long đang sống chật vật với nghề truyền thống

Ông Ngụy Khắc, chủ cơ sở đá mỹ nghệ Nghĩa Hưng buồn rầu vì làng nghề đang mai một dần

Hình thành cách nay hơn 300 năm, sản phẩm đá mỹ nghệ Bửu Long không chỉ nổi danh khắp nước mà còn vươn xa đến tận Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản… Sản phẩm của làng đá Bửu Long khá đa dạng từ các loại tượng phúc - lộc - thọ, khám thờ, tượng linh thú, lư hương, bia… đến các vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày như cối xay, cối giã gạo, ly chén, bình đựng v.v..

Năm 1996, khi TP.Biên Hòa ban hành lệnh cấm khai thác đá ở hồ Long Ẩn (thuộc khu du lịch Bửu Long) để bảo tồn cảnh quan, phát triển du lịch thì người dân làng nghề mất đi nguồn nguyên liệu tại chỗ. Để duy trì sản xuất, người dân phải tìm sang các mỏ đá ở Hóa An, Tân Hạnh (TP.Biên Hòa), Tân Hiệp (Bình Dương) … Do công vận chuyển và tiền nguyên liệu tăng cao, chất lượng đá cũng kém hơn nên hàng sản xuất ra khó tiêu thụ. Cũng từ đây, làng nghề bị thu hẹp dần. Từ chỗ nhà nhà làm đá, người người làm thợ, đến nay số lượng cơ sở chế tác đá chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sản phẩm của làng nghề bây giờ mất đi bản sắc vốn có, chỉ còn sản xuất những sản phẩm đơn điệu, thô sơ như: bia, mộ, cầu thang, đèn đá cho các công trình hay công viên...

Phủi lớp lá khô đóng thành mảng trên đầu mấy con sư tử đá trưng bày trước cửa, ông Đặng Đình Quang ( 41 tuổi, chủ cơ sở Đặng Hữu Lợi) buồn rầu nói: “Mấy ngôi chùa đặt làm sư tử đá theo mẫu. Chúng tôi hì hục làm ba bốn tháng trời mới xong nhưng giờ nhà nước có chỉ thị cấm linh vật ngoại lai nên nhà chùa không dám mang về dùng. Hàng bị đình lại, tiền công, vốn chôn chân tại chỗ không biết lấy gì mà sống”.

Làng nghề đang “chết lâm sàng”

Gia đình ông Quang theo nghề chế tác đá đến nay đã qua 3 thế hệ. Thời điểm thịnh vượng, cơ sở của ông có tới 15 thợ lành nghề suốt ngày đục đẽo. Giờ chỉ còn 2 thợ sản xuất cầm chừng, nhà xưởng thu hẹp, tiếng đục đẽo cũng lạc lõng, mất hút giữa âm thanh náo nhiệt của phố phường. “Trước đây một thợ lành nghề làm có thể nuôi sống được cả gia đình. Nay làm đá nuôi thân còn chưa đủ nên lớp con cháu sau này đứa nào đứa nấy đều đi làm công nhân chứ không làm đá nữa”, ông Quang ngậm ngùi nói.

Tin tức khác